Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã đi qua nhưng sự mất mát hy sinbh vẫn còn đau đáu trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Máu sương của các anh hùng liệt sĩ hoà vào hồn thiêng sông núi, sống mãi với đất nước dân tộc. Nhân kỉ niệm 50 năm ngày giải phóng Miền Nam (30/4/1975-30/4/2025). Thư viện xin trân trọng giới thiệu tới các thầy cô và các bạn cuốn sách “ Mãi mãi tuổi hai mươi”. Đây là cuốn Nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc do nhà báo Đặng Vương Hưng sưu tầm và biên soạn.
“Mãi mãi tuổi hai mươi” trước hết là một cuốn nhật ký đầy đặn theo đúng nghĩa của nó. Cuốn nhật ký được bắt đầu viết từ ngày 02/10/1971 (thời gian đầu của cuộc đời quân ngũ) và kết thúc ngày 24/5/1972 (trước khi hành quân vào tuyến lửa).
Thời gian ngắn ngủi chưa đầy một năm, một lát cắt trong cuộc đời con người nhưng nó cho ta thấy thế giới tâm tư phong phú, thấy cả tâm hồn anh, con người anh và đằng sau đó là một thế hệ đẹp đẽ đã sống và ra đi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi của Tổ quốc.
Ngay từ đầu, cuốn nhật ký đã mở ra những trang đẹp nhất của tâm hồn anh với khát vọng ra đi, lý tưởng chiến đấu và ý thức trách nhiệm vì Tổ quốc. Anh viết: “Mình đã bắt đầu sống có trách nhiệm từ đâu, từ lúc nào? Có lẽ là từ 9/3/1971, tháng ba của hoa nhãn ban trưa, của hoa sấu và hoa bàng lăng nước” và anh khát khao: “Chóng tới gia đình lớn. Nơi ta gửi gắm thời thanh xuân của mình”. Xuyên suốt cuốn nhật ký là khát vọng được vào tuyến lửa, giáp mặt quân thù.
Vì là nhật kí nên mọi tâm tư, tình cảm của anh rất chân thật: Khi phơi phới niềm vui lên đường nhưng cũng không ít khi buồn nản, chán chường... Song tình yêu, niềm tin vẫn là tư tưởngchủ đạo xuyên suốt cuốn nhật kí. Chàng thanh niên Hà Nội - Nguyễn Văn Thạc còn dành phần lớn tâm tư của mình cho người mà mình yêu dấu.
Hình ảnh Như Anh – người con gái anh yêu xuyên suốt cuốn nhật ký. Hình ảnh người con gái ấy nâng đỡ anh khi buồn vui, khi đau khổ, nâng anh dậy và tiếp sức cho anh nuôi sống lý tưởng, ước mơ; lời vẫy gọi thiết tha của ngày về. Tình cảm trong sáng, thuần khiết đó đã tạo nên một khoảng trời dịu dàng, bình yên đầy lãng mạn trong cuốn nhật ký. Đây là một tình yêu lý tưởng tiêu biểu của thanh niên thời chiến tranh.
Bên cạnh những dòng “suy nghĩ”, cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” còn cho ta thấy những “sự kiện”, hay nói đúng hơn hình ảnh đất nước và con người Việt Nam một thời khói lửa chiến tranh vừa đau thương ác liệt vừa bình dị. Trên mỗi đoạn đường anh đi là một miền quê và những con người được khắc họa trung thực, có nét đáng yêu đáng quý nhưng anh cũng không ngần ngại nói lên những cái xấu, cái bề bộn của một thời.
Cuốn nhật kí này dừng lại tại ngã ba Đồng Lộc ngày 03-6-1972 khi anh chuẩn bị vào chiến trường. Những dòng cuối cùng anh viết dường như gấp gáp: “Kính chào hậu phương. Chào gia đình và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi. Nhất định có ngày trở về Thủ đô yêu quý của lòng tôi”.
Ngày 30/4/1975 đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập, nhưng anh và bao đồng đội đã không có mặt trong ngày chiến thắng của dân tộc. Anh đã ngã xuống trong một trận đánh ác liệt bên Thành cổ Quảng Trị khi mà tuổi đời chưa đầy 20 với “biết bao dự định còn dang dở”.
1. NGUYỄN VĂN THẠC Mãi mãi tuổi hai mươi: Nhật ký thời chiến Việt Nam/ Nguyễn Văn Thạc; Đặng Vương Hưng.- Tái bản lần thứ 5.- Tp.HCM: Thanh niên, 2005.- 295 tr.; 19 cm.. Chỉ số phân loại: 895.922803 NVT.MM 2005 Số ĐKCB: TK.01313, TK.01314, TK.01330, |
Và trước khi để các em đọc và suy ngẫm về trang viết cuộc đời anh, cô xin dẫn lại những dòng anh gửi gắm lại cho tất cả những ai đang được sống hôm nay: “Ừ, nếu như tôi không trở lại - Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này? Tôi chỉ ao ước rằng: ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc. Đừng để trống trải và bí ẩn như những trang giấy này”. Biết quý trọng và biết ơn cuộc sống mình đang có và hãy góp phần viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc như lời nhắn gửi mong ước của anh là trách nhiệm của mỗi chúng ta.